Giá xe hơi đồng loạt tăng khiến người tiêu dùng bỡ ngỡ! Sau cơn bão giảm giá xe để kích cầu cuối năm 2017, giá ô tô đầu năm 2018 bắt đầu đi vào ổn định và có dấu hiệu tăng đồng loạt, đi ngược kỳ vọng giá xe sẽ giảm. Nghị định 116 làm khó xe nhập về nguồn cung, tạo cơ hội cho xe nội trong lúc này.
Đã qua điểm đáy của giá xe?
Những tưởng ô tô nhập khẩu miễn thuế sẽ về nước vào năm 2018 với giá cả cạnh tranh, tình hình thị trường thực tế trái với kỳ vọng, xe lắp ráp tăng giá, xe nhập khó về, thậm chí không giảm giá. 2017 được coi là một năm bản lề của thị trường ô tô Việt Nam với nhiều chính sách đã và từng chuẩn bị được áp dụng từ ngày 1/1/2018. Hai trong những yếu tố chính khiến người tiêu dùng đặt kỳ vọng vào ô tô giá rẻ là thuế nhập khẩu trong ASEAN về 0% (giá xe có thể giảm tới hơn 20% theo lý thuyết) và thuế nhập linh kiện về 0% để giảm giá thành lắp ráp xe trong nước.
Tâm lý chờ đợi với niềm tin ô tô sẽ giảm giá trong năm 2018 khiến sức cầu cuối năm 2017 giảm mạnh. Theo nghiên cứu của J.D. Power, khách hàng Việt trong thời gian này có xu hướng mặc cả nhiều hơn và tìm hiểu kỹ hơn trước khi mua xe.
Trước sự ảm đạm đe doạ công việc kinh doanh, nhiều hãng xe bắt đầu mở các chiến dịch khuyến mại, giảm giá sâu, lên tới cả trăm triệu đồng. Kết hợp với đại lý, giá xe tiếp tục được giảm thêm để hút khách. Nhiều mẫu xe vốn đắt khách như Toyota Fortuner, Innova và Vios cũng được giảm thêm vài chục triệu đồng tại đại lý. Quý III/2017 được coi là thời điểm giá xe xuống thấp nhất. Tính từ đầu năm ngoái đến nay, giai đoạn khoảng tháng 8-9/2017 chứng kiến đợt giảm giá kỷ lục đến từ nhiều hãng, lúc mà THACO gọi là “giá đã chạm đáy và không thể giảm hơn”.
Giá xe hơi không những không giảm mà đồng loạt tăng
Sau cơn bão giảm giá xe để kích cầu cuối năm 2017, giá ô tô đầu năm 2018 bắt đầu đi vào ổn định và có dấu hiệu tăng đồng loạt, đi ngược kỳ vọng giá xe sẽ giảm. Nghị định 116 làm khó xe nhập về nguồn cung, tạo cơ hội cho xe nội trong lúc này. THACO là doanh nghiệp đi đầu trong cuộc chơi giảm giá vào cuối năm 2016, lại cũng mở màn xu thế tăng giá từ đầu năm 2018. Trong quý I/2018, THACO 3 lần tăng giá xe Mazda. Vừa bước sang tháng đầu năm, Mazda CX-5 tăng giá 30 triệu đồng. Một tháng tiếp theo, các mẫu Mazda3, Mazda6 và CX-5 tăng giá đều, cao nhất khoảng 30 triệu đồng. Bước sang tháng 4, giá xe Mazda2 tăng 30 triệu đồng.
Một ông lớn khác trên thị trường là Toyota vẫn ổn định giá. Tuy nhiên, nếu so với giá bán tại các đại lý vào năm ngoái, giá xe năm nay cao hơn tới 50 triệu đồng. “Đầu năm chỉ có một vài khuyến mại nhỏ trong thời gian ngắn, ví dụ như giảm giá xe Vios hơn 20 triệu đồng, còn lại vẫn giữ đúng giá niêm yết,” chị Mừng, một nhân viên kinh doanh đại lý Toyota tại Hà Nội, cho biết.
Những mẫu xe Toyota nhập khẩu vẫn bị các đại lý đẩy giá lên cao bởi lý do khan hàng. Người mua Fortuner sẵn sàng bỏ 200 triệu đồng mua phụ kiện chưa chắc đã có xe. Một số doanh nghiệp tư nhân tranh thủ gom hàng xe mới, niêm yết giá cao để chốt lời nóng trong thời điểm nhạy cảm này.
Anh Minh Nhật (Hà Nội), một người tìm mua xe Toyota Fortuner, chia sẻ: “Tôi có ý định mua xe Fortuner từ năm ngoái nhưng chờ giảm giá vào năm 2018. Không ngờ giá xe giờ tăng quá cao, hơn 200 triệu đồng. Mua chính hãng không có, chỉ còn cách tìm ngoài. Do không đủ kinh phí nên tôi chuyển sang tìm mua xe đã qua sử dụng với giá… cao ngang xe mới.”
Honda may mắn hơn khi nhập được 2 đợt xe từ Thái Lan về nước, trong đó đợt 2 được hưởng thuế nhập khẩu 0%. Trái với dự đoán giá sẽ giảm nhờ miễn thuế, những mẫu xe như Civic và Accord vẫn giữ nguyên giá như 2017. Không lâu sau khi mở bán, Honda Việt Nam tuyên bố tăng giá 5 triệu đồng/xe nhập. Với Ford, mẫu xe Focus bản Trend từng được hạ giá thấp nhất xuống còn 565 triệu đồng vào khoảng tháng 11/2017, nay vẫn dao động giá quanh mốc 600 triệu đồng. Nissan cũng tăng nhẹ giá xe X-Trail với lý do “đưa trang bị tuỳ chọn thành trang bị tiêu chuẩn”.