Ý nghĩa các ký hiệu đèn cảnh báo trên bảng điều kiển xe hơi (Bảng táp lô): Khi sử dụng xe, chắc hẳn không ít lần bạn thấy các đèn báo xuất hiện trên đồng hồ lái hoặc bảng điều khiển của xe, nếu bạn là người mới sử dụng xe lần đầu, chắc hẳn sẽ lúng túng và khó khăn trong việc nên làm gì khi xe mình xuất hiện đèn cảnh báo đỏ, báo vàng … Bài viết dưới đây sẽ phần nào giúp ích cho bạn trong việc hiểu ý nghĩa các đèn cảnh báo trên bảng táp lô.
- Kinh nghiệm lái xe vào ban đêm và cách sử dụng đèn hiệu quả,
- 10 kinh nghiệm lái xe đường trường vào ban đêm bạn nên ghi nhớ!,
- 30 kinh nghiệm kiểm tra, bảo dưỡng xe hơi dành cho tài mới,
Ý nghĩa các ký hiệu đèn cảnh báo trên bảng điều kiển xe hơi (Bảng táp lô)
Hãng cứu hộ của Anh, Britannia đã tổng hợp 64 ký hiệu đèn cảnh báo phổ biến nhất trên bảng táp lô của các hãng xe hơi. Trong đó chỉ có 12 ký hiệu đèn là thường xuyên xuất hiện ở tất cả các mẫu xe. Số lượng ký hiệu cảnh báo ngày càng nhiều trong các mẫu xe hơi mới, đáng kể có thể kể đến là dòng Mercedes E class có 41/64 đèn báo và một số mẫu xe quen thuộc khác ở Việt Nam như Toyota Yaris và Audi A3 28/64, Ford Fiesta 25/64 và BMW Series 3 có 21/64.
Các xe hơi ở Việt Nam hiện tại trung bình một xe có tầm 9-12 ký hiệu phổ biến của đèn cảnh báo trên bảng táp lô, dưới đây là các loại đèn cảnh báo thường gặp bạn nên biết: Cảnh báo phanh dừng (số 1): cho thấy phanh dừng đang được sử dụng. Nếu lái xe nhả phanh mà đèn vẫn sáng, nên kiểm tra lại hệ thống phanh. Đĩa phanh hoặc các miếng đệm hãm cần được thay mới.
Đèn báo nhiệt độ làm mát động cơ (Số 2): Cảnh báo nhiệt độ làm mát: đơn giản là động cơ quá nóng. Hãy nhanh chóng dừng xe và đưa tới thợ hoặc nhờ kéo xe tới xưởng. Đèn sáng cũng có thể do mạch điện bị chập, cảm biến hỏng hoạc lỗi máy tính, nhưng dù là lý do gì vẫn nên đưa xe đi kiểm tra. Nếu đèn này không tắt sau khi đã chạy vài cây số thì nên mang xe đi kiểm tra. Bộ ổn nhiệt hoặc quạt thông gió có thể lúc nào cũng bật và đây là nguy cơ không nhỏ bởi động cơ sẽ ngốn xăng hơn và phát ra nhiều khí thải hơn.
Đèn báo áp suất dầu (Số 3): về cơ bản, nếu tín hiệu này xuất hiện có nghĩa áp suất dầu trong động cơ quá thấp hoặc quá cao, vì thế hãy kiểm tra trước khi lái xe đi. Thứ này cũng cho biết có thể bơm dầu đã bị hỏng hoặc đường vào bị tắc. Dầu với độ nhớt sai cũng có thể là lý do khác khiến đèn sáng.
Đèn cảnh báo túi khí (Số 5): cho thấy rắc rối với hệ thống túi khí và hệ thống này có thể cần được kiểm tra tại một trung tâm dịch vụ có giấy chứng nhận. Biểu tượng này cũng có thể xuất hiện khi một hay nhiều túi khi bị vô hiệu hóa bằng tay.
Cảnh báo cửa mở (Số 10): có nghĩa một hoặc nhiều cánh cửa đang mở hoặc đóng chưa đúng.
Cảnh báo bugi sấy trên xe động cơ dầu (Số 16): đèn sáng khi thời tiết bên ngoài lạnh. Không khởi động động cơ đến khi đèn tắt. Nếu đèn sáng quá lâu có nghĩa bugi sấy có vấn đề, hoặc do trời quá lạnh.
Đèn báo hệ thống ABS (Số 18): Cho biết hệ thống chống bó cứng phanh đã gặp trục trặc hoặc một cảm biến cần phải thay. Biểu tượng này cũng phát sáng nếu một trong những cảm biến quá bẩn, hoặc người sử dụng đã thực hiện một pha đốt lốp và dừng xe đủ nhanh để đánh lừa hệ thống ABS. Thứ này cũng bật sáng khi xe bị sa lầy trong bùn hoặc tuyết và bánh xe xoay tít một chỗ.
VSC (kiểm soát cân bằng điện tử) hoặc hệ thống kiểm soát độ bám đường bật sáng (Số 19): có vấn đề với một trong những hệ thống này. Nếu phanh vẫn làm việc thì mọi chuyện đều ổn, nhưng cần để ý rằng hệ thống ổn định không làm việc đúng vai trò vì thế đừng để xe chạy quá nhiều.
Cảnh báo áp suất lốp (Số 20): áp suất của một hoặc nhiều lốp xe quá thấp hoặc quá cao. Một hoặc vài lốp cũng có thể đã bị thủng.
Đèn cảnh báo lỗi hộp số (Số 24): có sự cố trong hộp số. Thường tín hiệu này cho biết hộp số tự động hỏng chỗ nào đó. Lời khuyên là không nên vận hành xe nếu đèn này bật sáng.
Tín hiệu đèn pha sáng (Số 31): cho thấy đèn pha đang bật hoặc tắt, bạn hãy để tâm đến việc đèn pha có khiến tài xế xe ngược chiều bị chói hay không.
Cảnh báo hệ thống chiếu sáng tương thích (Số 32): hệ thống tự động điều chỉnh chùm sáng không hoạt động trơn tru.
Cảnh báo nhiên liệu (Số 43): nếu vạch cuối cùng của đồng hồ nhiên liệu sáng có nghĩa đã đến lúc ghé trạm xăng và đổ đầy bình.
Số 39 và 40 là đèn hiệu bật đèn sương mù phía trước, phía sau và đèn báo rẽ trái phải (Số 44).
Cảnh báo nước rửa kính (Số 38): cho biết chủ xe cần đổ đầy nước rửa kính chắn gió.
Đèn sương mù sáng (Số 39): cho biết đèn sương mù đang bật. Cảnh báo nước trong lọc nhiên liệu (Số 63): nước được phát hiện có trong lọc nhiên liệu. Đừng hoảng sợ nếu đang lái xe, nhưng nên đến trạm bảo dưỡng, sửa chữa gần nhất để thợ bỏ nước hoặc cặn bẩn khỏi lọc.
Nên làm gì, cách xử lý khi xe xuất hiện đèn cảnh báo:
Thông thường khi bật chìa khoá, toàn bộ đèn trên bảng điều khiển sẽ sáng lên nhưng sau vài giây sẽ tắt ngay. Nếu các đèn báo vẫn sáng thì có 3 màu thông thường để cảnh báo về cấp độ: xanh, chú ý, ví như đèn tín hiệu xin đường chưa tắt; vàng, cảnh báo có thể có nguy hiểm , như xe sắp hết xăng; đỏ, nguy hiểm, như đèn báo mất áp lực dầu.
- Các loại đèn màu xanh (nếu sáng trong khi xe hoạt động) thường chỉ là đèn nhắc người lái về tình trạng hoạt động thiết bị, như đèn báo tín hiệu đang bật, đèn pha đang ở chế độ chiếu xa, điều hoà đang bật… Những loại đèn này không ảnh hưởng đến tính an toàn của xe.
- Các đèn màu vàng cảnh báo về các sự cố (hoặc nguy cơ) đã hoặc có thể xảy ra như nhiên liệu sắp hết với biểu tượng hình máy bơm xăng, hay có trục trặc với hệ thống phanh chống bó cứng ABS với biểu tượng hình tròn và chữ ABS ở trong (ở nhiều xe chỉ có chữ ABS màu vàng). Với các loại đèn báo này, cấp độ nguy hiểm chưa cao, có thể bơm thêm xăng; hệ thống ABS có thể hoạt động kém, hoặc mất hẳn chế độ phanh chống bó cứng, tuy nhiên phanh vẫn có hiệu lực và xe vẫn có thể duy trì tốc độ chậm để đến các gara kiểm tra.
- Đèn vàng với biểu tượng bánh răng với dấu ! ở giữa (trên các xe số tự động – Hình số 24). Đã có trục trặc ở hộp số tự động. Trường hợp này nếu không có tiếng động lạ, tiếng kim loại cọ xát, hãy lái xe tới một gara gần nhất nhưng hạn chế tăng, giảm ga đột ngột, hoặc tốc độ cao. Đèn báo vàng biểu tượng hình cốc lọc trên các xe diesel sau khi động cơ đã khởi động. Đã có nước trong cốc lọc, hoặc mức nước trong lọc đã vượt ngưỡng cho phép. Thông thường, sẽ không có gì nguy hiểm nếu ngay sau đó cốc lọc được vệ sinh hay thay mới.
- Đặc biệt nguy hiểm là các đèn báo tín hiệu màu đỏ. Với các loại đèn này, khi phát hiện ra cần phải có cách xử lý ngay lập tức. Nếu bạn không có hiểu biết về chiếc xe đang lái, hãy dừng xe, tắt máy ngay lập tức và liên hệ với người có chuyên môn để nhờ tư vấn. Nếu không ai giúp, cách tốt nhất là gọi một chiếc xe cứu hộ. Nên kéo xe về một gara gần nhất để kiểm tra.
Kết luận: Thường đèn sẽ báo sáng nếu có bộ phận nào đó cần được quan tâm, và đèn sẽ ít báo sáng hơn nếu xe thường xuyên bảo dưỡng theo định kỳ. Có vài biểu tượng hễ mở khóa khởi động là sáng và đó là chuyện bình thường, bởi điều đó cho biết máy tính chủ đang kiểm tra hệ thống. Chỉ rắc rối thật sự nếu đèn không tắt khi động cơ đã hoạt động. Một điều quan trọng khác cần lưu ý là một số cảnh báo chỉ đơn giản là thông tin cho chủ xe về một trục trặc hệ thống chung chung. Hỏng hóc chính xác chỉ có thể được xác định với những thiết bị chuẩn đoán chuyên dụng.